Một chút về Tết Đoan Ngọ:

Theo quy ước thì tiết Đoan Ngọ là vào chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 âm lịch. Vì vậy lễ cúng gia tiên phải từ 11h trưa đến 1h giờ chiều sẽ đúng nghi thức. Vào ngày này, nhà nhà lại cùng nhau dậy sớm để “diệt sâu bọ” bằng cách ăn các loại trái cây, rượu nếp (cơm rượu), bánh tro … sau khi đã dâng cúng tổ tiên.

Chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ: Tùy theo phong tục tập quán của từng vùng miền mà đồ cúng có những món khác nhau nhưng về cơ bản mâm cúng phải có như:

  • Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp.
  • Các loại hoa quả gồm các loại quả mùa hè như mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối…
  • Xôi, chè, bánh ú tro (còn gọi là bánh tro hay bánh gio).
  • Trong mâm cúng tết Đoan Ngọ của người Hà Nội xưa thường có thêm bánh trôi, bánh chay.

Trong mùng 5 tháng 5, nhiều nơi có tục làm mâm cỗ cúng gia tiên; treo lá ngải cứu trước cửa nhà; làm túi ngũ sắc đeo cho trẻ em; lên rừng hái thuốc; hoặc có nơi làm thịt vịt, thịt ngan để mang về bên nhà mẹ, nhà vợ…

Người miền Bắc thường giết sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm và giết sâu bọ bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh tro và hoa quả… Trong khi người miền Trung và miền Nam thì có món bánh ú lá tre hoặc bánh tro với nguyên liệu cũng là gạo nếp, đậu xanh…

Với trẻ em: sáng sớm ngủ dậy khi còn ở trên giường trẻ sẽ được cho ăn hoa quả, ít rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Với người lớn: sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó bước chân ra khỏi giường uống một ít rượu hoặc ăn một bát rượu nếp và trái cây cho sâu bọ say, chết.

Gợi ý trang trí trái cây đơn giản, đẹp cho Tết Đoan Ngọ

Mâm cỗ nhà thành viên Memory gồm có: Vịt ninh măng, cơm rượu nếp cái, cơm rượu nếp cẩm, hoa quả.