Melissa.Tran
Đầu bếp: Melissa.Tran

Nấu ăn giỏi

Còn gì tuyệt vời hơn khi người đầu bếp không chỉ nấu cho bạn 1 món...

Melissa.Tran đã gửi 1 công thức món ăn & 22 bài blog

bạn đã thêm 0 công thức món ăn vào sổ tay

Cận Tết, các điểm bán gà heo lậu lại mọc lên ở khắp các chợ lẻ, lề đường, khu dân cư… Đáng nói là chính thói quen của người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho những điểm bán gia súc gia cầm mất vệ sinh hoạt động.

 


  

Ngang nhiên bán gà vịt “ba không” trước cổng Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh)

 

“Gà xách tay”, heo giá rẻ “ba không”

 

Hiện nay, dịch cúm gia cầm và dịch heo tai xanh chưa được kiểm soát hoàn toàn, mầm bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, vẫn phổ biến cảnh thịt gà, thịt heo “ba không” (không kiểm dịch, không nguồn gốc, không an toàn vệ sinh) bày bán ngang nhiên.

 

Chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) có khu bán gà ta khá nổi tiếng. Tại đây, gà vịt bày la liệt, người bán người mua tấp nập. Chủ hàng thường có sẵn lò nước sôi để làm gà tại chỗ. Có hàng, gà vịt bán cùng cá, ếch nên lông gia cầm, vảy cá, nội tạng, phân gà vịt bốc mùi hôi thối. Đầu đường Trương Minh Giảng (Q.Gò Vấp), có 5 điểm bán gà lông, gà vịt giết sẵn, người bán thản nhiên “làm tươi” nhiều con gà chỉ với một xô nước bẩn. Sau 19 - 20g mỗi ngày, gà vịt ế được thu gom vào bao ni lông, mai lại bày ra bán tiếp. Gần đó, “lò” giết mổ gia cầm chui với số lượng hàng trăm con/ngày trong hẻm chợ Căn cứ 26A, Q.Gò Vấp luôn hoạt động náo nhiệt.

 

Tại các tuyến đường Trần Chánh Chiếu (Q.5); Đinh Điền, Tân Sơn Hòa (Q.Tân Bình); chợ Cầu (Q.12); dưới chân cầu Sài Gòn (Q.2)… người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy những lồng gà vịt sống hoặc gà đã xả thịt. Trong các khu chợ “chồm hổm” (chợ tự phát), nhiều người bày sơ sài trong chậu nhôm, mâm nhôm vài con gà, con vịt.

 

Những sản phẩm gia cầm diện “xách tay” này đều được người bán xác nhận là “gà vườn, gà rẫy nên không cần kiểm dịch”. Tại điểm bán trước cổng trạm y tế xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh) người bán còn lập luận: “Tôi bán ở đây bao nhiêu năm, làm gì có ai hỏi chuyện kiểm dịch. Tôi ngồi ngay trước trạm y tế thế này có nghĩa gà của tôi an toàn rồi”!

 

Theo Chi cục Thú y TPHCM, hiện TP có trên 100 điểm kinh doanh gia cầm sống nhỏ lẻ và khoảng 100 điểm kinh doanh sản phẩm động vật không đúng quy định nhưng thực tế, các điểm bán gia cầm lẻ cao hơn con số trên rất nhiều. Nhiều điểm chỉ hoạt động khoảng 5-6g sáng phục vụ người đi chợ sớm rồi “rút quân”, chiều muộn mới dọn ra lại.

 


Gà vịt không bao gói, không tủ bảo quản bày bán ngang nhiên từ sáng tới chiều - Ảnh: KT-VL

 

Bên hông các chợ lớn trong thành phố như chợ An Lạc (H.Bình Chánh), Vườn Chuối (Q.3), Nhật Tảo (Q.10) và tại các khu chợ tự phát, các loại thịt heo không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh cũng bày bán tràn lan. Thịt lẻ kiểu này luôn rẻ hơn so với thịt trên sạp khoảng 10.000đ - 20.000đ/kg.

 

Khoảng 16h chiều, trước cổng khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức, các xe đẩy, mâm, bày thịt heo la liệt hai bên đường không hề được che đậy, mặc cho ruồi nhặng, bụi bặm bám đầy. Trên đường số 4, khu phố 4, P.Linh Trung, nhiều hàng thịt heo ôi, thiu bán ế trong ngày, tối lại được bán lại cho công nhân. Vớt những miếng thịt tím tái trong thùng nước ra, một người đàn ông nhúng chiếc khăn lấm bẩn vào tô huyết heo sống rồi chậm lên những miếng thịt. Dưới đèn đường, nhiều công nhân cứ nhầm tưởng thịt còn máu đỏ là thịt tươi.

 

Không kiểm tra xuể

 

Theo quy định, thịt động vật không giấy kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, sản phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh thú y… sẽ bị xử lý hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Bình quân một tuần, lực lượng kiểm tra TPHCM xử lý khoảng 200 trường hợp kinh doanh động vật - sản phẩm động vật không đúng quy định, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 200 trường hợp. Tuy nhiên, hầu như sau khi bị thu hàng, nộp phạt, người bán lại… vi phạm tiếp.

 

Đầu tháng 12, báo cáo của Chi cục Thú y TPHCM cho thấy, cơ quan này đã kết hợp với Công an P.15, Q.Tân Bình đã xử lý một chợ gà vịt “nổi tiếng” về mất vệ sinh trên đường Phạm Văn Bạch, nhưng ngày 25/12, chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh năm điểm bán hàng và giết mổ gà vịt thản nhiên xả lông, huyết ra lề đường. Một người bán ở đây khẳng định: “Đuổi thì chúng tôi chạy, các ông ấy đi lại bán tiếp. Chị cần bao nhiêu hàng cứ đặt”.

 

Thịt gia cầm, gia súc bán tại TPHCM thường có nguồn gốc từ các tỉnh như Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh… Một lượng lớn khác được chuyển từ miền Trung, miền Bắc. TP.HCM có vùng tiếp giáp các tỉnh lân cận rộng lớn nhưng hiện chỉ có bốn trạm kiểm dịch động vật (KDĐV) đầu mối giao thông (trạm Thủ Đức, An Lạc, Hóc Môn, Xuân Hiệp) tại các cửa ngõ thành phố và một trạm KDĐV của tỉnh Bình Dương (trạm Vĩnh Phú). Tại các trạm KDĐV luôn có lực lượng liên ngành gồm: cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, thú y và thanh niên xung phong túc trực.

 


Chợ gà đường Phạm Văn Bạch cứ dẹp lại mọc - (Ảnh chụp sáng 25/12)

 

Tuy nhiên, do lực lượng quá mỏng nên hàng lậu vẫn lọt qua các chốt kiểm soát. Trước kia, xe chở gia súc gia cầm lưu thông chính trên xe máy hay xe ba gác thì nay nhiều sản phẩm được vận chuyển từ các tỉnh miền Đông, miền Trung vào TPHCM bằng các phương tiện công cộng (xe khách, xe tải, xe buýt). Ngoài đường lớn qua chốt gác còn có vô số các tỉnh lộ, đường tắt, đường rẽ…

 

Chị Tuyết, người bán gà vịt trên Hương lộ 80 (H.Bình Chánh) tiết lộ, khi gom gà vườn và chở từ Long An về TPHCM, chồng chị luôn lách các chốt giao thông lớn, đi đường tắt, đường nhỏ nên không bị bắt bao giờ. Một người bán gia cầm tại chợ khu công nghiệp Vĩnh Lộc nói: “Chúng tôi thường xé lẻ hàng để dễ che đậy hoặc đi đêm”.

 

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết, ngành thú y và các quận huyện đang vào đợt cao điểm kiểm tra VSATTP dịp Tết và sẽ tăng cường lực lượng công an giao thông tại các trạm KDĐV đầu mối giao thông, lập các chốt kiểm tra lưu động. Ban quản lý các chợ được phân quyền để phối hợp với lực lượng thú y và chính quyền địa phương kiểm tra nguồn gốc thịt heo tại các chợ, đặc biệt tại một số chợ chiều, chợ tự phát…

 

Trong nhiều yếu tố giúp xử lý dứt điểm tình trạng này, theo ông Thảo, việc người tiêu dùng nâng cao ý thức về VSATTP, không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng là yếu tố hết sức quan trọng.

 

Theo Cẩm, Hương, Nga

Phụ nữ TPHCM