PN - ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần cho biết, trong khi mang thai và sau thời gian vượt cạn, nhiều phụ nữ dễ bị căng thẳng. Nếu không được quan tâm chia sẻ, những thay đổi này có thể dẫn đến rối loạn tâm thần với những biểu hiện nặng.
Yếu tố gây rối loạn tâm thần trong thai kỳ
Yếu tố sinh học: trong thai kỳ, cơ thể có sự thay đổi nội tiết tố liên quan đến thai nhi như các hormone estrogen, progesteron, HCG; gia tăng bài tiết một số hormone tuyến yên, cận giáp, tuyến giáp và hormone buồng trứng. Việc tiết nội tố nhiều hay ít quá có thể gây ra những rối loạn cảm xúc và tinh thần ở thai phụ. Ví dụ, việc tăng tiết quá độ nội tiết tố tuyến giáp thyroxin có thể làm cho thai phụ dễ bị cáu gắt.
Yếu tố tâm lý xã hội không thuận lợi: mang thai ngoài ý muốn, mẹ sống độc thân, sự khó khăn, thiếu thốn về vật chất, thu nhập kém, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ từ gia đình, chia sẻ của người chồng, quan niệm sinh con trai, con gái… là những yếu tố có thể dẫn đến rối loạn tâm thần cho thai phụ.
Yếu tố thực thể: nhiễm trùng, nhiễm độc, can thiệp sản khoa. Người mẹ sốt khi mang thai, con dễ bị tự kỷ hoặc tỷ lệ chậm phát triển tâm thần cao gấp đôi so với bình thường.
Cách nhận biết
Stress cấp và kéo dài: biểu hiện bất động, không đáp ứng với ngoại cảnh, sau đó giảm sút trí nhớ, rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, mất ngủ, ác mộng…), có khi hoảng loạn, kích động, khó tập trung.
Rối loạn trầm cảm: nếu trầm cảm nhẹ, sau khi sinh con khoảng ba-bốn ngày, người mẹ có thể có biểu hiện như khóc không rõ nguyên nhân. Nếu trầm cảm nặng, người mẹ cảm thấy lo lắng, sau đó trở nên buồn rầu, cáu gắt vô cớ, có những hành vi kỳ quặc đối với con.
Rối loạn ăn uống: chứng ăn vô độ, chán ăn hoặc xen kẽ cả hai.
Lú lẫn, hoang tưởng cấp: đột ngột xuất hiện tình trạng lú lẫn, hoang tưởng tăng về chiều tối. Có thể gặp hoang tưởng bị hại, đôi khi kèm trầm cảm, lo âu.
Rối loạn hành vi: thường sau khi sinh hai tuần, có biểu hiện buồn rầu, khóc lóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, lo lắng quá mức vì sợ mắc bệnh hiểm nghèo, ít chú ý đến vệ sinh cá nhân, ăn mặc lôi thôi, hành vi thô bạo, xúc phạm người xung quanh. Nặng hơn, người mẹ có thể bỏ con, hành hạ con, thậm chí giết hại con hoặc tự sát. Sau đó, người bệnh không nhớ được việc mình đã làm.
Các dấu hiệu khác: lo âu nhẹ, chóng mặt, tức ngực, sợ chết khi sinh, sợ sinh con bệnh tật… Các triệu chứng này có thể giảm ở tháng thứ tư mang thai và tái xuất hiện trạng thái lo âu trước khi sinh.
Mức độ ảnh hưởng trên thai
Rối loạn stress cấp và kéo dài: xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thời gian mang thai đều dễ làm tăng nguy cơ tử vong sơ sinh, nhưng trong thực tế lại ít được chú ý đến. Chúng gây tác hại lập tức và lâu dài cho thai như dễ sinh non, thai chết lưu. Nếu stress xảy ra ở ba tháng cuối thai kỳ thường có nguy cơ sinh con nhẹ ký.
Rối loạn stress sau sang chấn tâm lý: dễ có nguy cơ cao thai bị lạc chỗ (thai ngoài tử cung), sẩy thai, nôn nhiều và chuyển dạ sớm.
Rối loạn trầm cảm: thường liên quan đến các tai biến như sẩy thai, chảy máu trong thai kỳ, gia tăng nguy cơ sinh mổ.
Rối loạn ăn uống: có nguy cơ sẩy thai cao, thai nhẹ ký hoặc thai phụ có nguy cơ cao về đái tháo đường.
Rối loạn hoảng loạn: nguy cơ cao về chuyển dạ sớm và sinh non, đa ối, thiếu máu, thời gian mang thai tương đối ngắn (sẩy thai, sinh non).
Rối loạn lưỡng cực trong giai đoạn hưng cảm: tuy hiếm gặp nhưng ảnh hưởng đến thai nhi do nguy cơ gia tăng hoạt động tình dục, hoạt động thể lực quá mức hoặc lạm dụng ma túy.
Những rối loạn tâm thần sau sinh: lú lẫn, hoang tưởng cấp hoặc rối loạn hành vi, sẽ dẫn đến bỏ bê không chăm sóc bản thân, không chăm sóc con hoặc có thể giết hại con.
Thai phụ mang thai và mắc bệnh tâm thần phân liệt kèm các bệnh lý mạn tính như: cao huyết áp, đái tháo đường… sẽ làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn; tăng nguy cơ sinh non, thai chết lưu, thai nhẹ ký hoặc khiếm khuyết về tim mạch.
Điều trị
Ba tháng đầu, thai phụ cần tránh dùng các thuốc chống trầm cảm, giải lo âu nếu không có chỉ định của bác sĩ. Cần được gia đình quan tâm, nhất là người chồng.
Các biện pháp cần thiết: nhập viện, tách mẹ và con (để đảm bảo an toàn cho con). Khi tình trạng bệnh của mẹ đã thuyên giảm, cần cho gặp con trước sự giám sát y tế để tái lập mối quan hệ mẹ con. Nên cho cả mẹ lẫn con cùng nằm viện.
Ảnh hưởng của thuốc trong điều trị rối loạn tâm thần với thai nhi: nếu muốn sinh con hoặc mang thai, cần phải thảo luận với bác sĩ chuyên khoa tâm thần đang theo dõi và điều trị, vì dùng thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Phải ngưng sử dụng thuốc ít nhất một tháng trước thời điểm có thể thụ thai. Tốt nhất nên tránh sử dụng thuốc trong ba tháng đầu của thai kỳ, vì đây là thời kỳ quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển các cơ quan trong bào thai. Khi dùng thuốc hướng thần (sau sinh) thì không cho con bú vì thuốc truyền qua sữa mẹ.
Hoa Lan (ghi)
Nguồn: http://phunuonline.com.vn
ththuy
19:33 20/08/2012Bây giờ nhiều bà mẹ hay bị này bị kia quá, mình nghĩ phần lớn cũng do thức ăn ngày nay nữa