MÙA NÓNG: MUA VÀ SỬ DỤNG MÁY LẠNH NHƯ THẾ NÀO TỐT CHO SỨC KHỎE.
Trong cơn hoảng loạn tránh nóng, nhiều người đã và đang chọn máy lạnh làm giải pháp hạ nhiệt. Tuy nhiên, thực tế, trong sự bủa vậy của “ma trận thương hiệu”, nhiều người không biết mua thương hiệu nào, loại nào, giá cả ra sao cho phù hợp. Thậm chí, tiền mất tật mang. Không ít người đã phải nhập viện vì đã không sử dụng máy lạnh đúng cách.
Lầm tưởng “cứ nằm điều hòa là tốt”.
Những tuần qua, nắng nóng là một trong những đề tài được dư luận quan tâm nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông. Nhiệt độ trung bình vượt ngưỡng 39 – 400 C đang biến nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các đô thị lớn trở thành những lò thiêu đáng sợ. Nắng nóng làm đảo lộn tất cả mọi thói quen sinh hoạt, thói quen tiêu dùng và nhất là sức khỏe của người dân.
Để nhiệt độ điều hòa quá thấp, ở lâu trong phòng điều hòa, để hơi lạnh phả thẳng vào người. là những nguyên nhân khiến nhiều người bị mắc các bệnh về đường hô hấp, huyết áp, da.
Tại Hà Nội, Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong mấy ngày nắng nóng vừa qua, trung bình mỗi ngày có hơn 2.000 trẻ đến khám, tăng gấp đôi so với ngày thường, trong đó chủ yếu là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Chỉ trong ngày 5/5, bệnh Viện Việt Đức thống kê có tới 4 trường hợp nhập viên vì liên quan đến việc sử dụng máy lạnh.
Được nghỉ cuối tuần, lại đúng dịp nắng nóng, ông Nguyễn Văn Kỷ ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội ở lì trong phòng điều hòa. Ngày hôm sau, vừa ra đến ngoài, ông cảm thấy rát cổ, đau họng, choáng váng, chóng mặt. Đi khám, bác sĩ cho biết, do ông ở trong phòng điều hòa quá lâu, độ ẩm thấp, nên thân nhiệt hạ, chưa kịp thích ứng với nhiệt độ ngoài trời.
Chị Nguyễn Thị Dần ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội cũng tá hỏa khi thấy đứa con nhỏ gần hai tuổi bị ho, viêm họng mấy ngày không khỏi. Đưa con đi khám, chị mới biết căn nguyên là do bé ở trong phòng điều hòa, không khí lạnh từ máy phả thẳng vào người, khiến bé bị viêm họng, khô da…
Tránh tiền mất, tật mang.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Lão khoa Quốc gia, khá nhiều bệnh nhân ra vào đột ngột phòng có điều hòa nên bị choáng váng. Có người lại nghĩ nằm điều hòa là tốt nên bật thường xuyên và ở lì trong phòng, để nhiệt độ quá thấp, chênh lệch giữa trong phòng và ngoài trời lớn nên bị viêm họng, huyết áp tăng cao.
Theo ông Đinh Văn Hiệp, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Sumikura, khi trời quá nắng nóng, người dân thường có xu hướng để nhiệt độ trong phòng điều hòa ở mức quá thấp, chênh lệch với bên ngoài lớn. Việc đột ngột ra vào có thể gây sốc, cảm lạnh, mắc các bệnh về đường hô hấp. Để khắc phục tình trạng này, tốt nhất trong quá trình ra, vào, nên có phòng đệm. Nếu nhiệt độ trong phòng điều hòa là 25 độ C và bên ngoài là 35 độ C thì phòng đệm nên ở mức 28 - 29 độ C. Nên ở đó khoảng 5-10 phút mới vào, ra phòng điều hòa để đảm bảo sức khỏe.
Theo Giáo sư Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Hội lạnh và điều hòa không khí Việt Nam, ngoài chênh lệch nhiệt độ, chênh lệch độ ẩm cũng là nguyên nhân khiến nhiều người gặp vấn đề sức khỏe. Thông thường, độ ẩm trong phòng điều hòa chỉ ở mức 50% - 55%. Với người Việt Nam, độ ẩm thấp dễ dẫn đến khô da, cảm lạnh, ho, viêm họng… Vì vậy, có thể đặt chậu nước hoặc khăn mặt ướt để tăng độ ẩm trong phòng. Trẻ em nằm trong phòng điều hòa quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, nên tùy từng lứa tuổi của trẻ mà sử dụng điều hòa ở nhiệt độ thích hợp. Trẻ 1 - 3 tháng tuổi, có thể để điều hòa ở mức 29 - 30 độ C và giảm dần theo tuổi. Ngoài ra, khi sử dụng điều hòa hay quạt điện, không nên để luồng gió thổi trực tiếp vào đầu, ngực trẻ, khi đó bé sẽ thiếu ôxy và dễ bị cảm lạnh.../.
Minh Đạo - Theo Điều hòa Sumikura