Xứ sở nhiệt đới này có vô vàn những loại trái cây giải khát khiến con người và cả tâm hồn bạn dịu mát trước cái nắng oi ả của phố phường.

Quán nước vỉa hè không chỉ đơn thuần là giải khát mà còn là nơi người ta tìm đến để chuyện trò vui vẻ, không bị cái không gian chi phối như ngồi trong nhà hàng, người ta cứ thế tự nhiên với nhau, bao nhiêu vui buồn cuộc sống cũng theo tiếng xe ngoài phố trôi tuột đi.

Hầu như quán nước vỉa hè nào đã bán nước sâm rồi thì chắc chắn sẽ bán kèm nước rau đắng và Atiso, 3 món giải khát này giống như bạn đồng hành không thể thiếu của một quán nước giải nhiệt. Dường như trên đường phố Sài Gòn, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những xe nước như thế này.
Nước dừa Sài Gòn được bán phổ biến trên những chiếc xe rong ruổi đường dài, hoặc nơi góc đường, quán vắng…Muốn uống nước dừa, chỉ cần chịu khó chờ chốc lát, bạn cũng có thể thấy xe nước dừa đẩy ngang qua nhà.
Tuy nhiên, chỉ uống nước dừa trong quả thôi mà bỏ đi phần cơm dừa xem như đã bỏ phí mất một món ngon. Bởi vậy, nhiều người Sài Gòn thích uống nước dừa pha sẵn, có cơm dừa hòa trong ly nước dừa mát lạnh.

Sài Gòn có 1 góc đường chuyên bán nước dừa pha sẵn này. Chỉ là 1 đoạn nhỏ cuối đường Pastuer đã có đến 5,6 xe nước dừa pha. Đây là con đường nước dừa nổi tiếng nhất Sài Gòn.


Hàng nước dừa chỉ là 1 xe bán nước lưu động đứng sát mặt đường, phía trong vỉa hè để nhiều chiếc ghế con con cho khách ngồi. Vỉa hè ở góc đường này tương đối rộng và thoáng mát, rất thích hợp để ngồi ngắm cảnh dòng xe hối hả. Dù là giữa trưa hay chiều muộn đều tấp nập khách đến đi.
Dừa tắc là ly nước dừa pha sẵn, bỏ thêm một muỗng mứt tắc ngọt lịm. Vị ngọt của mứt tan trong vị ngọt thanh của nước dừa lại dậy lên mùi thơm của vỏ tắc thanh tao.
Dừa thơm cũng giống như dừa tắc, chỉ là một muỗng mứt thơm ngọt đến gắt cổ dung hòa với vị ngọt của nước dừa lại thành một mỹ vị vừa miệng.


Việc pha chế hai món này tương đối đơn giản, lấy nước dừa nguyên chất trong trái dừa trộn lẫn với cơm dừa thái nhỏ rồi bỏ đá viên vào là có ngay 1 món giải khát dân dã.
Nếu như nước dừa với vị thơm của trái tắc, bùi bùi của miếng cùi non làm ta cảm thấy no bụng, thì nước sâm là một thứ "tăng lực" vừa rẻ, vừa bổ.


Mía lau có tác dụng thanh nhiệt, làm cho hết khát. Rễ tranh và râu bắp có tính lợi tiểu, dùng hỗ trợ mía lau để thanh nhiệt, đồng thời đẩy nhiệt ra khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện.


Atiso là một loại nước nước giải khát tiêu nhiệt rất tốt. Atiso có tính đắng, hậu hơi ngọt, rễ và bông atiso có giá trị dinh dưỡng cao.
Đúng như tên gọi của loại thức uống, nước đắng rất đắng. Nhưng cái đắng ở đây rất có lợi cho sức khỏe mà lại chẳng đắt tiền. Uống nước đắng không phải dễ dàng cho những ai chỉ hảo ngọt, nhưng khi đã uống được rồi thì lại đâm ghiền, bởi tác dụng thanh nhiệt và giải độc, mát gan của nó.


Người đã xem nước đắng là món khoái khẩu thì nhấm nháp từ từ nhưng vẫn uống ly nước sâm sau đó. Nếu không thể nếm được vị đắng nào thì nên gọi một ly nước pha gồm một ít nước đắng pha nhiều nước sâm, uống cũng rất ngon và mát.
Sẽ thật là thiếu sót nếu không liệt kê nước mía vào danh sách những món giải khát vỉa hè ở Sài Gòn. Một ly nước mía ép nguyên chất thơm thơm mùi tắc lại nhẫn nhẫn vị đắng của vỏ tắc hòa tan trong cái lạnh của đá viên thật là một món giải khát tuyệt vời.


Tuy nhiên, tạm bỏ qua công dụng giải nhiệt, nhiều người đến quán nước mía vỉa hè còn để hàn huyên buôn chuyện. Vào mỗi buổi tối đến góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm- Lê Duẩn hay vỉa hè đường An Dương Vương lại chật ních người.

Từ các bạn trẻ tuổi teen đến người trưởng thành đi làm đều cùng ngay bên một chiếc bàn nhỏ, dưới tàn cây lộng gió mà rôm rả những câu chuyện trong ngày.

Hai cửa hàng nước giải khát này mở ra đã hơn mười năm, mỗi ngày đều mở cửa đều đặn từ sáng đến đêm và luôn luôn có những cô áo vàng, áo cam phục vụ nhiệt tình, thân thiện. Khách đến đây có thể ngồi uống trên vỉa hè hoặc là đứng uống ngay bên cạnh đường.

Dù biết là có gây cản trở giao thông chút ít, nhưng du khách vẫn không thể cưỡng lại vị ngọt mát của 3 loại nước thanh nhiệt này.
Chủ đề mới được bình luận