Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 77.895 trường hợp mắc bệnh tại 63 tỉnh, thành trong cả nước, đã có 137 trường hợp tử vong tại 27 tỉnh, thành phố.
Tại buổi gặp mặt báo chí ngày 25/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện những tỉnh có bệnh tay chân miệng (TCM) cao như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… thời gian qua các ca mắc và tử vong đã giảm. Bệnh TCM tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 77.895 trường hợp mắc bệnh tại 63 tỉnh, thành trong cả nước, đã có 137 trường hợp tử vong tại 27 tỉnh, thành phố.
80% trẻ không đi học bị mắc bệnh
Qua điều tra của viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trên 100 trẻ mắc TCM có xét nghiệm dương tính tại 5 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Bến Tre cho thấy tỷ lệ trẻ ở nhà không đi học là 76,92%, đi nhà trẻ công lập là gần 20% và nhóm đi nhà trẻ tư nhân là 1,71%, nhóm trẻ gia đình 0,85%, học phổ thông cơ sở 0,85%. Cụ thể, tại Long An, tỷ lệ trẻ ở nhà không đi học là 80%, đi nhà trẻ mẫu giáo 20%.

Các trường hợp mắc và tử vong do TCM tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam chiếm 65,1% số mắc và 89,1% tử vong của cả nước. Tuy nhiên từ tuần 29 đến nay, số ca mắc tại các tỉnh miền Nam có xu hướng giảm dần, trong khi đó số ca mắc ở miền Bắc có xu hướng tăng. Các tỉnh miền Bắc có số mắc cao chủ yếu tại Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nội... Không có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình, hiện các tỉnh vẫn đang kiểm soát tốt dịch TCM và chưa cần phải công bố dịch. Ông Bình cũng cảnh báo, tháng 10 và 11 vẫn là những tháng đỉnh của dịch và yêu cầu các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ cũng như điều trị tích cực cho các bệnh nhân mắc TCM.
Ý thức người dân vẫn là nguyên nhân truyền bệnh
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dịch bùng phát và tăng số ca mắc là do chưa tập trung đầu tư cho truyền thông và xác định truyền thông, chưa đúng đối tượng đích là các bà mẹ có con dưới 5 tuổi và những người chăm sóc trẻ liên quan. Nội dung các thông điệp truyền thông còn chưa tập trung. Ví dụ truyền thông chủ yếu vào khử trùng môi trường bằng Chloramin B mà chưa chú ý tập trung vào rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi cho trẻ ăn và vệ sinh. Cần phải hướng tới đích chính là các bà mẹ, cần rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.
Năm 2003 ca mắc TCM đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Năm 2005, Viện Paster TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên phân lập ra virus TCM. Và cho đến nay, ngành y tế cũng đang tích cực lấy mẫu bệnh phẩm để phân lập và phân tích cấu trúc virus TCM để tiến tới sản xuất vaccine phòng chống bệnh. Về việc vì sao chưa công bố dịch TCM tại các tỉnh có bệnh phức tạp, ông Bình cho biết, hiện các tỉnh có bệnh vẫn đang kiểm soát tốt. So với các nước như Nhật Bản, Singapore cũng đang có dịch TCM thì tỷ lệ mắc bệnh tính trên nghìn dân của Việt Nam thấp chỉ là gần 1ca/1.000 dân (ở Nhật Bản là 2,5 ca/1.000 dân; Singapore là 3 ca/1.000 dân).