Giỏ cà tím yêu thương

Má ngồi dựa cửa, bấm đốt ngón tay lần lựa: “Qua rằm rồi nghe Tí, mấy bữa nữa ông giáo làng mở lớp dạy thêm, con…” Chưa đợi má nói hết câu, tôi đang vọt ra tới gần đường cái, miệng la bời bời: “Con đi bắt cua với thằng Đẹt nghen má…” Chạy một quãng dài mà tôi còn nghe tiếng má văng vẳng. Tôi chành miệng cười hỉ hả khi tưởng tượng ra cảnh má cầm chiếc dép quăng theo thằng con nghịch ngợm rồi không ngớt lầm bầm: “Tổ cha cái thằng! Con ai mà làm biếng quá, chỉ được cái ham chơi…”
Chiều ngả bóng, tôi quần áo sũng nước lếch thếch về nhà, miệng xun xoe khi thấy má đang lục đục dưới bếp, mùi hành phi tỏa ra thơm lựng: “Con bắt được mấy con cua, mai sớm má đem đi đổi giỏ tôm về ăn nghe má…” Rồi vừa múc nước giếng dội ào ào, vừa nghe má càm ràm trong bóng tối nhập nhoạng: “Cha bây, bắt được mấy con mà đi cả buổi trời…” Bữa cơm má dọn ra chỉ một dĩa cà tím – thứ cà chân quê ngày nào má cũng đội thúng đi bán – được nướng kèm vài miếng tóp mỡ khô cong, một tô canh rau muống nấu chua và một khứa cá con con dầm nước mắm. Tôi nuốt ực nước bọt nhìn mâm cơm nóng hôi hổi, nhưng bản tính ưa nghịch ngợm lại bắt tôi dùng dằng: “Ngày nào cũng ăn cà ế của má riết rồi thằng Đẹt còn bự con hơn con nữa!” Mắt má sụp tối mà tôi vô tình không hay biết. Má nói rầu rầu: “Để ba bữa nữa má bán hết mớ cà cho dì Tư Hến rồi má mua cân thịt bò bồi bổ cho con…” Vẫn cắm mặt và lia lịa, vẻ một miếng cá thật to, tôi ngồm ngoàm: “Là má nói đó nghen…”
“Tí ơi, má mày trợt chân té sông, nguy lắm rồi!” Tôi nghe tin mà hồn vía lên mây, vừa chạy vừa khóc. Ba đi sớm bỏ má con tôi một mình. Giờ má có mệnh hệ gì tôi biết sống với ai?
Thấy má nằm thiêm thiếp, rổ cà tím lăn lóc bên chân giường, tôi sợ quá nín bặt, đứng chôn chân như tượng. Nghe thằng Đẹt rù rì: “Má mày nhận cõng lúa thuê, ba tao thấy sức yếu cản rồi mà má mày không nghe, biểu là muốn kiếm thêm vài đồng bạc mua cân thịt con cá cho mày…” Đến lúc này thì tôi òa khóc nức nở, sụp xuống bên giường, ôm tay má mà van xin: “Má ơi, đừng bỏ con…”
May mắn được trời thương, lần đó má tôi được bác sĩ cứu sống. Từ đó tôi chẳng bao giờ dám nửa tiếng chê bai món cà tím của má, biết chăm chỉ học hành. Bao năm trôi qua, má giờ đã về với ba ở nơi xa, tôi thành bác sĩ theo tâm nguyện của má: “Bác sĩ cứu má, con phải thành bác sĩ để cứu người.”
Vậy mà chiều nay nhìn mấy trái cà tím chỏng chơ trong giỏ đi chợ của vợ, sao mà nhớ má đến rát ruột…