Cách pha 5 loại nước chấm ngon

 
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để lưu vào danh mục yêu thích.
   

Nước chấm làm nên hương vị đặc trưng của từng món ăn, với những công thức dưới đây bạn có thể tự pha loại nước chấm ngon cho từng món thích hợp

Nguyên liệu

1. Nước  mắm chua ngọt

  • 1 đường
  • 1 nước mắm
  • Giấm (nước cốt chanh)
  • 3-4 nước lọc
  • Tỏi, ớt băm
  • Đồ chua

2. Mắm nêm pha

  • ½ trái dứa chín
  • 100 ml mắm nêm nguyên chất
  • 2 muỗng canh đường
  • ½ muỗng cà-phê bột ngọt
  • Ớt bột
  • Tỏi, ớt băm

3. Mắm tôm pha

  • 2 muỗng mắm tôm nguyên chất
  • 1,5 muỗng đường
  • 1/3 muỗng cà-phê bột ngọt (nếu thích)
  • 1 muỗng nước cốt chanh/tắc
  • Tỏi, ớt băm

4. Nước mắm chấm ốc luộc

  • 2 muỗng nước mắm ngon
  • 2-3 muỗng đường
  • 1 muỗng nước cốt chanh
  • 1 trái tắc/quất
  • 1 muỗng nước lọc
  • Gừng
  • Tỏi, ớt băm
  • Sả bào mỏng
  • Lá chanh
  • Rau mùi/ngò cắt vụn

5. Nước mắm gừng

  • 5 muỗng đường
  • 5 muỗng nước mắm ngon
  • 2,5 muỗng nước lọc
  • 2,5 muỗng gừng ớt giã nhuyễn
  • 1 muỗng nước cốt chanh (nếu thích nước mắm gừng có vị chua nhẹ)
Cách làm

cách pha 5 loại nước chấm

5 loại nước chấm

Mark Lowerson, một chuyên gia ẩm thực người Úc, khi đề cập đến sự phong phú, đang dạng và tinh tế của các loại nước chấm Việt Nam đã từng viết rằng “Tôi không rõ liệu có nền ẩm thực nào khác trên thế giới có được đặc trưng trội bật về các loại nước chấm như tại xứ sở này…!” Chính vì thế, việc “hướng dẫn” người khác pha nước chấm là một việc vô cùng khó khăn, bởi sự  “vừa miệng” của nước chấm còn tùy thuộc vào quan niệm, thói quen nêm nếm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi một vùng miền.

Dưới đây là 5 loại nước chấm phổ biến, dễ dùng kèm với các món ăn khác nhau:

1. Pha nước chấm chua ngọt

Có thể dùng nước chấm này cho các loại bún bò trộn, phở cuốn, chả giò, bánh xèo miền Nam, bánh khọt Vũng Tàu…

Nước mắm chua ngọt

Nước mắm chua ngọt

  • Cho 1 chén đường vào 3 – 4 chén nước (tùy khẩu vị thích ăn mặn hay nhạt), khuấy tan.
  • Thêm vào 1 chén nước mắm, trộn đều rồi từ từ cho 1 chén giấm vào, vừa khuấy vừa nếm đến khi vừa miệng.
  • Sau cùng cho thêm đồ chua, tỏi ớt băm nhỏ và thưởng thức.

2. Pha mắm nêm

Ăn kèm bò nhúng giấm, bún thịt luộc Đà Nẵng hoặc bánh hỏi heo quay.

Mắm nêm

Mắm nêm

  • Dứa chín vắt lấy nước cốt, để riêng. Trung bình với ½ quả dứa sẽ vắt được 150ml nước cốt.
  • Đặt chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn. Đợi dầu vừa nóng thì cho thêm vào chảo 1/2 muỗng cà phê ớt bột, lấy đũa đảo qua 1 vòng thật nhanh tay rồi cho ngay nước cốt dứa + 100 ml mắm nêm vào.
  • Nấu cho mắm trong nồi sôi lên thì nêm thêm ½ muỗng cà phê bột ngọt. Vì độ ngọt của dứa khác nhau nên chúng ta cho đường vào từ từ từng chút một và nếm đến khi vừa ăn. Nếu có được quả dứa thật ngọt thì chỉ cần 1 muỗng canh đường là đủ, còn nếu dứa chua quá thì có khi phải hơn 2 muỗng đường một chút.
  • Sau khi nếm vừa ăn, để mắm sôi lên lại thì tắt bếp. Để nguội. Trước khi ăn mới cho thêm tỏi ớt băm vào.

Chú ý: Để mắm nêm pha được ngọt dịu và thơm mùi dứa, nên lựa quả dứa ngọt,mắt dứa nở đều, chín vàng.

3. Pha mắm tôm

Ăn cùng bún đậu, thịt luộc.

Mắm tôm

Mắm tôm

  • Đong trước lượng mắm tôm cần ăn ra tô/chén, cho đường (và bột ngọt) vào đánh đến khi đường tan. Nếm lại xem vị ngọt đã vừa miệng chưa để gia giảm thêm mặn ngọt.
  • Với 3-4 người ăn, đong chừng 100 ml mắm tôm (6 muỗng canh vun) và đánh tan với 60g đường (3 muỗng canh vun) là vừa.
  • Đặt chảo lên bếp, cho vào 2 muỗng canh dầu ăn, đợi nóng thì cho một ít hành tím vào phi thơm, tắt bếp.
  • Đổ ngay dầu còn đang sôi nóng vào mắm tôm, khuấy đều tay để mắm chín, bay mùi nồng của mắm tôm sống, sau đó cho nước cốt chanh vào. Dùng đũa đánh cho mắm tôm nổi bọt, chuyển màu tím nhạt. Nếm lại để gia giảm mặn – ngọt – chua cho vừa miệng.
  • Trước khi ăn cho thêm ớt, tỏi tùy thích.

4. Nước mắm chấm ốc luộc

Nước mắm chấm ốc

Nước mắm chấm ốc

  • Cho nước mắm, đường và nước lọc vào nồi, nấu sôi cho tan đường rồi tắt bếp.
  • Chờ khi nước mắm đường nguội hoàn toàn mới cho nước cốt chanh vào (để chanh không đắng) sau đó trộn đều, nếm để gia giảm vị mặn – ngọt – chua cho vừa miệng.
  • Gừng giã nhuyễn. Lá chanh và rau ngò/mùi rửa sạch, cắt nhuyễn. Tước bỏ phần sả già, lấy lõi non bào mỏng. Tắc/Quất rửa sạch, cắt đôi.
  • Cho gừng, lá chanh, rau mùi, sả bào vào nước mắm đường, khuấy đều, nếm lại lần nữa cho thật vừa ăn rồi thả luôn quả quất vào nước chấm. Mùi tinh dầu từ vỏ quất sẽ làm nước mắm chấm ốc dậy mùi thơm.

5. Nước mắm gừng

Dùng để chấm thịt vịt luộc, mực hấp, cá trê/ cá lóc nướng.

Nước mắm gừng

Nước mắm gừng

  • Cho đường, nước mắm, nước lọc vào nồi, nấu sôi rồi để liu riu chừng 5 phút cho nước mắm hơi sánh lại (gọi là nước mắm kẹo)
  • Chờ nước mắm kẹo nguội hoàn toàn thì cho gừng – ớt giã nhuyễn vào khuấy đều, nếm lại cho vừa miệng. Nếu thích nước mắm gừng có vị chua dịu thì cho thêm vào 1 muỗng canh nước cốt chanh.

Xem thêm những món ngon khác.

Bạn có công thức món ăn ngon?

 chia sẻ món ăn

   
Love 41
Trang:
  • 1
  • 2
Bộ sưu tập món chay ngon (QC)
Cùng Bếp Gia Đình khám phá kho công thức Món Chay với hàng trăm Món Chayhấp dẫn, dinh dưỡng và dễ thực hiện từ những nguyện liệu dễ tìm nhé!