Thường xuyên vệ sinh những chiếc máy sử dụng và những vị trí thiết yếu trong gian bếp để phòng chống vi khuẩn sinh sôi, gây hại cho sức khỏe của bạn
Sàn nhà dưới thảm
Tấm thảm ở phòng khách hay trong bếp là một vật trang trí hoàn hảo, tô điểm thêm vẻ rạng rỡ cho căn phòng nhưng vị trí này đồng thời cũng là một trong những nơi được các nhà khoa học chứng minh là khu vực ẩn chứa đầy bụi bẩn, nấm mốc nhất trong nhà. Do đó, nếu chỉ làm sạch trên bề mặt thảm như bạn hay làm thông thường thì vẫn không đủ. Hãy chú ý làm sạch cả sàn nhà bên dưới tấm thảm nữa nhé.
Túi tái chế hay rổ rá đựng trái cây
Lâu lâu hãy ngâm những chiếc túi tái chế, giỏ đi chợ hay rổ rá đựng rau củ trái cây trong dung dịch tẩy rửa nồng độ nhẹ để diệt khuẩn. Đừng quên vò giặt cả bên trong túi. Với những chiếc túi đã xài quá nhiều lần, đừng tiếc mà hãy thay thế bằng những chiếc túi mới bạn nhé. Hạn chế để những chiếc túi, rổ rá chuyên đựng đồ sống ở khu vực bàn ăn, nơi bạn ăn uống hằng ngày để tránh truyền nhiễm vi khuẩn.
Mặt trên và ron cao su của tủ lạnh
Những góc khuất, cao trên tầm với như mặt trên tủ lạnh hay phần cao su bên trong rất dễ bị quên lãng khi bạn dọn dẹp. Vậy nên khi vệ sinh tủ lạnh đừng quên lau cả 4 mặt tủ, tay cầm và dùng bàn chải cọ rửa phần cao su bên trong nữa nhé. Ở mặt ngoài bạn chỉ cần dùng giẻ lau cho hết bụi rồi lau lại lần nữa bằng giẻ ướt. Nếu bạn muốn tủ lạnh nhà mình sáng bóng hơn thì hãy lau chùi với hỗn hợp giấm trắng pha nước.
Đối với phần bên trong ở lớp cao su hít ở của tủ, bạn hãy dùng bàn chải chấm dung dịch baking soda pha với nước để cọ rửa thật sạch.
Chổi
Bạn phải làm sạch cả những dụng cụ dùng để vệ sinh của mình đặc biệt là chổi. Chổi dùng để quét sạch bụi bẩn nhưng cũng chính những thứ bụi bẩn ấy lại dễ dính lại vào từng sợi lông chổi. Cách tốt nhất để giặt sạch chổi là ngâm chúng với nước xà phòng ấm, giũ lại sạch và phơi khô dưới nắng.
Giỏ rác
Những chiếc giỏ hay thùng đựng rác bằng nhựa rất dễ bám dính vi khuẩn. Bạn nên chà rửa chúng ít nhất một tuần một lần với dung dịch tẩy rửa, sau đó dùng khăn giấy lau khô và phơi dưới nắng.
Máy pha cà phê, bình nước sôi
Qua thời gian, kim loại nặng trong nước sẽ bám vào thành bên trong của các thiết bị nấu nước trong bếp như ấm nước siêu tốc, máy pha cà phê… Để loại bỏ những tạp chất này trong các loại máy, bạn hãy hòa hỗn hợp dấm và nước rồi đun sôi. Tắt máy và để nguội trong khoảng 30 phút. Tiếp theo, bạn rửa lại bình với nước lạnh, cho nước lạnh vào đun sôi thêm một lần nữa rồi đổ nước đó đi.
Thảo Nguyên
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.