Thực phẩm và ung thư – Vỏ quýt khó dày nếu móng tay đủ nhọn!

 
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để lưu vào danh mục yêu thích.
   

Mở đầu chương trình “Y khoa vui vẻ” bằng câu chuyện về sức đề kháng, bác sĩ Lương Lễ Hoàng khiến không ít thính giả tò mò khi chọn tiêu đề đầy tính tượng hình – “Vỏ quýt khó dày nếu móng tay đủ nhọn”.

Sức đề kháng đủ mạnh thì bệnh tật đâu dễ đến!

Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng lý giải: Nếu sức đề kháng đủ mạnh thì bệnh tật sẽ không dễ dàng đến. Thế nhưng, y học hiện đại lại rất chú trọng hình thức “đau đâu chữa đó”. Chỉ đến khi dùng đủ mọi phương thuốc để “hủy diệt” nguyên nhân gây bệnh mà vẫn thấy mâu thuẫn xuất hiện – bệnh không giảm mà thậm chí còn tăng lên ở một số nơi (đặc biệt như các bệnh mãn tính như cao huyết áp, thấp khớp, tiểu đường…) thì lúc này, các nhà nghiên cứu mới có khuynh hướng trở về với quan điểm đề cao sức kháng bệnh của Y học cổ truyền. Từ đây, người ta bắt đầu chú ý xem trọng xu hướng “phù chính khu tà” trong Y học dân gian, mà theo bác sĩ Lễ Hoàng diễn giải: “Khi điều trị bệnh, cần phải nâng đỡ phần “chính khí” – tức sức đề kháng của mỗi bệnh nhân”.

Suc de khang

Bữa ăn vui vẻ cũng giúp cơ thể tăng sức đề kháng

Điều đáng nói, sức đề kháng của con người ngày nay lại đang bị bào mòn rất nhiều so với hàng chục năm trước. Đây là tiền đề cho hàng trăm loại bệnh mới xuất hiện, trong đó có cả ung thư – nỗi ám ảnh kinh hoàng của con người trong thời hiện đại. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 30% – 50% bệnh ung thư xuất phát từ chất sinh ung thư. Không kể đến tác nhân hàng đầu trong số đó là thuốc lá, thì những chất bảo quản hay hóa chất dùng trong thực phẩm hiện nay cũng đang xếp hạng rất cao trong danh sách gieo rắc căn bệnh chết người này. Cũng theo báo cáo của tổ chức uy tín này, con người đang sợ nhất việc sinh ung thư từ thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Xét trong tình hình Việt Nam hiện tại, vấn nạn thực phẩm bị tiêm các hóa chất, phụ gia tẩm ướp không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát chất lượng đang là vấn đề gây nhức nhối cho toàn xã hội. Bác sĩ Hoàng cho biết: “Các hợp chất độc hại này khi vào cơ thể sẽ phá vỡ cấu trúc tế bào bình thường, làm tế bào biến thể, sinh sản thành tế bào khác chiếm lượng dưỡng chất nhiều gấp trăm lần tế bào bình thường nhưng không làm gì cả, hoặc sở hữu chức năng gây hại. Đó chính là tế bào ung thư”. Tổ chức Y tế thế giới cũng công bố tối thiểu 35% trường hợp ung thư hiện nay gắn với ăn uống thực phẩm không an toàn, tạo ra áp lực rất lớn với người tiêu dùng thời nay.

Món ăn nào cũng có chất tốt, chất xấu

Tang suc de khang

Trong bất cứ món thức ăn nào cũng có chất tốt, chất xấu, bạn nên biết cách kiềm chế chất xấu có khả năng gây hại cho cơ thể

Gần đây, có nhiều thông tin nghi vấn về các món ăn sinh ung thư. Nói về vấn đề này, bác sĩ Hoàng cho rằng: “Trong kiểm định, bất kỳ món ăn nào cũng có chất tốt, chất xấu. Ví dụ như hạt gạo, qua phân tích dưới kính hiển vi điện tử cho thấy có chất gây ung thư, nhưng nếu ăn cơm mà bị ung thư thì làm sao dân số châu Á đến nay lại đông như vậy, hay nếu mì ăn liền chứa chất có thể sinh ung thư thì từ “có thể” đến “chắc chắn” vẫn còn khoảng cách rất xa. Thực tế các món ăn đã được “thử lửa” qua hàng ngàn năm, hàng chục năm, đến bây giờ lại có thông tin món ăn đó gây ung thư thì hơi nghịch lý”.

Cũng theo bác sĩ, nếu mì ăn liền được sản xuất theo đúng luật hiện hành về mặt hoạt chất, phụ gia thì tự gói mì không thể sinh ung thư, cũng như dù chọn được gói mì ăn liền tốt mà người dùng lại hút thuốc, uống rượu bia, thức khuya… thì lỗi không thể “trăm dâu đổ đầu mì gói”. Bên cạnh đó, sức đề kháng của từng người và cả yếu tố tâm lý cũng góp phần không nhỏ trong việc quyết định mắc bệnh hay không ở mỗi cá nhân.

Để an lòng người tiêu dùng, bác Lương Lễ Hoàng cũng đưa ra hai tiêu chí để lựa chọn thực phẩm chế biến. Đầu tiên, cũng giống như việc chọn thuốc để uống, người dùng nên xem xét đến thời gian tồn tại của hãng sản xuất. Nếu thương hiệu có mặt lâu năm trên thị trường nghĩa là họ đã tạo được uy tín nhất định, đồng thời sản phẩm từ họ chắc chắn khó có thể xấu. Thứ hai, tự bản thân mỗi người phải là “máy kiểm chứng” chính xác nhất. Nếu sử dụng thực phẩm nào đó mà cảm thấy khỏe, vui, không ngã bệnh thì nên tiếp tục lựa chọn chứ đừng nghe theo thông tin chưa kiểm chứng, lan truyền theo hướng đồn thổi. Từ đó, chắc chắn mỗi người tiêu dùng có thể giảm bớt nỗi sợ ung thư để an tâm chọn đúng giữa “rừng” thực phẩm còn nhiều âu lo này. 

   
Love 0