Cập nhật vào 29/08
Tết Nguyên Đán là ngày xum họp của mỗi gia đình sau một năm bận rộn, cả gia đình sẽ cùng nhau chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên như gói bánh chưng, muối dưa hành, nấu canh măng, bó giò… và nghe những bài hát xuân sang.
Nội dung chính
1. Bánh chưng
Món đầu tiên, cũng là món quan trọng nhất không thể thiếu là bánh chưng xanh. Chiếc bánh được gói vuông vắn gắn liền với sự tích bánh chưng, bánh dày trong dân gian.
Tương truyền, bánh chưng hình vuông đại diện cho mặt đất, bánh dày hình tròn tượng trưng cho bầu trời. Đây là những món ăn được Lang Liêu sáng tạo ra từ đời Hùng Vương thứ 16 để thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với cha ông, đất trời.
Mỗi chiếc bánh chưng được làm từ gạo nếp, gói bên trong là thịt lợn mỡ, bánh xanh nhuyễn rồi bọc ở ngoài bằng lá dong và đem luộc chín. Chiếc bánh chưng đạt chuẩn là được gói vuông vắn, chắc tay, gia vị được nêm nếm hài hòa, bánh giữ được màu xanh lá đẹp mắt.
2. Dưa hành
Gần 1 tuần lễ ngày Tết, gia đình Việt ngày nào cũng ăn các món bánh chưng, thịt đông, chân giò… Dưa hành muối có vị chua, hơi hăng. Việc có thêm đĩa dưa hành muối trên mâm cơm không chỉ giúp giải ngấy mà còn giúp dạ dày dễ tiêu hóa hơn.
3. Gà luộc
Mỗi dịp cúng bái, người Việt, đặc biệt là người miền Bắc thường chuẩn bị một con gà luộc. Món ăn ngày Tết cũng không ngoại lệ. Từ đêm 30 âm lịch, các gia đình đã chuẩn bị một con gà luộc để cúng giao thừa. Tương tự các ngày từ mùng 1 đến mùng 5 (ngày hóa vàng), mỗi ngày đều phải cúng một con gà luộc mới.
Không chỉ trong các ngày cúng giỗ, mỗi dịp ăn tiệc, liên hoan, trong mâm cỗ người miền Bắc đều có món gà luộc. Thịt gà luộc ngon nhất khi ăn cùng với lá chanh thái sợi, chấm gia vị muối tiêu chanh ớt.
4. Nem rán
Không chỉ là món ăn ngày Tết được nhiều người yêu thích, nem rán còn có thể xuất hiện trong bất cứ bữa ăn nào. Nem rán phải chấm cùng nước mắm pha loãng, tỏi ớt băm nhỏ, rắc cùng hạt tiêu, đường và chút giấm. Nước chấm đạt chuẩn phải có độ chua, mặn, ngọt hài hoa và thơm mùi tỏi ớt.
Được làm từ thịt bò hoặc lợn xay nhuyễn, trộn đều cùng miến, mộc nhĩ, trứng gà, nấm hương, su hào, cà rốt, nêm thêm chút gia vị vừa ăn. Sau đó gói cùng với bánh đa nem và chiên vàng giòn rụm, rất dễ ăn.
=> Nghe nhạc online chất lượng cao tại Nhac.vn
5. Xôi gấc
Trên mâm cơm món ăn ngày Tết của người miền Bắc, ngoài bánh chưng, nem rán, một số gia đình còn có thêm món xôi gấc. Vì từ xa xưa, nước ta thuộc nền văn minh lúa nước nên những món ăn được làm từ gạo nếp, gạo tẻ rất quen thuộc. Xôi được nấu từ gạo nếp thơm dẻo và đỗ xanh, trộn cùng nước quả gấc.
Tại sao lại là xôi gấc? Vì xôi gấc có màu đỏ – màu sắc đặc trưng của ngày Tết, tượng trưng có sự thịnh vượng, may mắn, tài lộc. Món ăn không chỉ để thưởng thức, mà còn thể hiện mong ước của gia chủ.
6. Thịt giò thủ, giò lụa
Giò lụa được làm từ thịt nạc thăn giã nhuyễn. Giò thủ được trộn thập cẩm từ mộc nhĩ, nấm hương, thịt nạc, tai lợn…rồi nén chặt trong khuôn.
Các món giò khi chế biến thường không được nêm nếm nhiều gia vị nên cách ăn ngon nhất là chấm kèm với nước mắm ớt, tiêu thơm lừng, đậm vị.
7. Thịt đông
Khác với miền Nam, thời tiết miền Bắc có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Tiết trời đông – xuân se lạnh, thích hợp để làm món thịt đông.
Món ăn ngày Tết này được làm gần như món giò thủ, nhưng có thêm nước mỡ gà khiến hỗn hợp đông lại thành một khối.
8. Miến
Vì ngày Tết thường lặp lại những món ăn giống hệt nhau. Để đỡ ngán, một số gia đình chọn nấu miến để các bữa ăn được linh hoạt. Miến được nấu kèm với những thức ăn có sẵn trong ngày Tết như thịt gà, canh măng, chân giò nên rất tiện lợi. Không phải mua thêm thức ăn hay chế biến nhiều.
9. Canh măng – chân giò
Các dịp cúng giỗ, người Việt thường nấu canh sườn, rau củ với thịt mọc. Nhưng đầu năm phải có canh măng mới đúng vị món ăn ngày Tết.
Măng được thái miếng, rửa sạch rồi ninh cùng chân giò chặt khúc. Nước cốt làm từ thịt chân giò sệt sệt, béo ngậy, chan với cơm hoặc nấu miến đều hợp.