Để làm món thịt trâu gác bếp không khó, với những nguyên liệu đơn giản dễ kiếm nhưng lại đòi hỏi sự kì công và kiên trì của người có tâm với món ăn. Cùng chúng tôi tìm hiểu món ngon cổ truyền của người dân Tây Bắc nhé.
Con trâu từ xa xưa đã gắn liền với người dân Việt Nam nói chung và đồng bào dân tộc Tây Bắc nói riêng. Trâu không chỉ giúp sức trong việc canh tác, trồng trọt mà còn là nguồn thức ăn lớn cung cấp thịt cho phần lớn đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc. Cũng chính vì lẽ đó, nhiều món ăn ngon được sáng tạo với nguyên liệu chính là thịt trâu xuất hiện, trong đó không thể không kể đến món Thịt trâu gác bếp – một món ăn nổi tiếng của vùng núi rừng Tây Bắc. Những thớ thịt trâu bên ngoài khô màu nâu sậm nhưng khi xé ra thì đỏ óng, mùi thơm của khói, mắc kén hòa quyện vào nhau, có thể lần đầu ăn sẽ không thích mùi vị này nhưng khi nhai những miếng thịt trâu dai dai, nuốt xuống còn vương lại vị ngọt ngọt thực sự khiến người ăn say đắm.
Nội dung chính
Công dụng của thịt trâu
Theo đông y thì thịt trâu có vị ngọt, là phương thuốc thần kì với các bệnh chứng phong thấp sưng tê, chứng đau lưng hay phù chân, … có tác dụng bổ khí huyết, giúp gân cốt được chắc khỏe. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến món thịt trâu gác bếp nhanh chóng được mọi người ưa chuộng.
Cách làm thịt trâu gác bếp:
Để làm món thịt trâu gác bếp không khó, với những nguyên liệu đơn giản dễ kiếm nhưng lại đòi hỏi sự kì công và kiên trì của người có tâm với món ăn. Để có được một miếng thịt trâu gác bếp ngon, có lẽ quan trọng nhất là việc lựa chọn thịt trâu. Không dễ dàng để khi có được thành phẩm sau 8 tháng đến 1 năm, xé ra miếng thịt có được màu đỏ óng ánh, phải là miếng thịt ngon nhất của những con trâu khỏe nhất mới có thể cho ra một miếng thịt đạt chuẩn màu sắc mùi vị. Đặc biệt nhất là món ăn này được làm hoàn toàn thủ công, sau khi lựa chọn được những miếng thịt đảm bảo, người ta cắt thành những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, bò hoặc lợn, lóc các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ lại thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng). Sau đấy đem xiên vào những que tre, gác lên giá bếp cho khô dần. Bếp lửa của người đồng bào nơi đây luôn được giữ suốt ngày vì theo như phong tục nơi đây, thần lửa luôn ngự trị và che chở cho họ khỏi giá rét, luôn được ấm no. Khói của bếp củi ám lâu ngày làm thịt trâu có mùi đặc biệt, mang đậm phong vị núi rừng với hình thức bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà.
Cách ăn thịt trâu gác bếp
Phổ biến nhất là món thịt trâu gác bếp xé nhỏ, chấm cùng chẳm chéo làm mồi nhậu. Người dân vùng cao vẫn thường trữ một ít thịt trâu gác bếp, dùng khi có khách quý đến chơi nhà sẽ đem ra mời.
Họ thường luộc qua với nước để thịt mềm và đảm bảo chín hết, sau đó xé từng thớ nhỏ bày đĩa. Đặc biệt, những gia vị như tiêu, ớt, gừng, mắc khén do hun khói lâu ngày nên vẫn còn bám chặt trên từng thớ thịt hồng, trông qua đã thấy ngon mắt.
Thú vị hơn cả là cảm giác khi thưởng thức thịt trâu gác bếp trong một ngày se lạnh, uống ngụm rượu ngô cay lâng lâng và nhấm nháp một vài sợi dai dai để cảm nhận vị khói bếp đậm, ngọt, cay, thơm trên từng thớ thịt.
Thịt trâu khô gác bếp được làm hoàn toàn theo cách thủ công, không hề dùng thuốc bảo quản nhưng vẫn dùng được cả tháng trời. Trước đây, thịt trâu khô được dùng để làm thức ăn dự trữ khi đi nương rẫy, đi mùa màng xa nhà hàng tháng, vì món ăn này có đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Nhưng ngày nay vì thịt trâu gác bếp đã được khắp nơi biết đến bởi hương vị đặc biệt của rừng núi vùng cao nên đã trở thành món đặc sản được nhiều người yêu thích. Chính vì vậy, người dân nơi đây còn làm thịt trâu gác bếp để bán kiếm thêm thu nhập, cũng để thoả mãn những thực khách muốn nếm thử cũng như những người đã trót say mê món ăn này.
Nếu có dịp ghé thăm vùng núi rừng Tây Bắc, hãy dừng chân nếm thử một lần món ăn này và mua một ít về làm quà cho người thân, chắc hẳn bạn sẽ không phải hối tiếc vì đã bỏ lỡ một món ngon truyền thống của đất nước mình.