Ngôi biệt thự Pháp cổ 60 năm giữa trung tâm Sài Gòn với những món ngon gia truyền hơn 30 năm.
Món ăn đặc sắc
Mây Bốn Phương là một quán ăn gia đình nho nhỏ, vừa đủ cho những bữa cơm tối đầm ấm, vừa tiện cho những buổi họp mặt liên hoan vui vẻ hay là nơi để bạn bè “lai rai” hàn huyên. Tên quán Mây Bốn Phương vốn do người bác làm phi công đặt cho hơn 30 năm trước với ý nghĩa tượng trưng như mây khắp bốn phương trời. Thời ấy, cũng chính bác và vợ là người đã đưa ý tưởng để tạo nên những món ăn độc đáo như: Lưỡi heo pate, gỏi cá chẽm… Ban đầu từ những người quen, rồi miệng truyền miệng nên mọi người biết đến nhiều hơn từ gia đình, bạn bè, khách bình dân, khách sang, kể cả nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng thời ấy cũng có ghé và là khách quen cho tới bây giờ.
Để có món ngon đặc sắc lưỡi heo pate như hôm nay, cô chủ nhỏ chia sẻ: Thất bại, không hợp vị, ăn chẳng giống ai, là những gì mẹ kể về lần đầu tiên ấy. Thế rồi thử qua rất nhiều loại pate cuối cùng mẹ cô cũng đã tìm ra được đúng vị pate ngon với lưỡi heo kiểu Việt này. Bí kíp là pate phải đậm đà và tương đối rất khác cho với các loại pate ăn kèm bánh mì. Lưỡi heo thì chọn nhà cung cấp quen thuộc để luôn có lưỡi heo mới hằng ngày thịt tươi ngon sau đó được sơ chế kĩ lưỡng để vừa mềm ngon, vừa tươi giòn sần sật mà không hôi.
Các nguyên liệu ở Mây bốn phương đều được chọn lựa và sơ chế kĩ lưỡng.
Còn với gỏi cá, chị Vy, chủ quán, cũng là người đứng bếp chế biến món gỏi cá hiện nay, kể: “Hơn 30 năm trước, khi sơ chế cá bớp, bác của tôi vô tình làm dây nước cốt chanh lên miếng cá. Khi phát hiện điều này, bác định rửa cá qua nước lạnh, nhưng lại quyết định ăn thử và nhận ra miếng cá không tanh hay có mùi, mà tươi ngọt, săn chắc”. Cá được trộn với nước cốt chanh tươi theo tỷ lệ 2:1 (3 kg cá: 1,5 kg chanh). Sau khi trộn, chị Vy đặt gỏi cá ở nhiệt độ phòng khoảng 2 tiếng cho cá chín tái, sau đó, lần lượt cho dầu mè, gừng, củ riềng vào và tiếp tục đặt ở nhiệt độ thường. Nguyên liệu được chọn dùng ăn kèm cá bớp là hành lá xắt khúc và hành tây xắt nhuyễn, chấm với sốt hoa cải cho vị cay nồng, khắc phục vị tanh cũng như tăng hương thơm cho món cá.
Ngoài 2 món kể trên, bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ngon, lại vị dành cho gia đình được chế biến từ cá, tôm, thịt, cua tôm…
Không gian gần gũi
Mây bốn phương không quá hào nhoáng nhưng chỉnh chu, không phải là đội ngũ nhân viên quá chuyên nghiệp nhưng tận tâm và nhiệt tình, không phải bàn ghế quá sang trọng nhưng luôn sạch sẽ, gọn gàng. Mỗi một bàn ăn cũng giống như bàn ăn trong gian bếp gia đình vậy, vừa vặn, ấm cúng.
Quán nằm trong lòng ngôi biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp được xây dựng cách nay hơn 60 năm. Chị Vy, cháu nội, người thừa kế đời thứ 3 cho biết – ông Nội chị – chủ nhân và cũng người xây dựng ngôi biệt thự này vốn là người kỹ tính, nên phần lớn các nguyên liệu để xây tường, lát nền, lợp mái đều do những do chính tay ông lựa chọn. Tới tận bây giờ, tường đá mát lạnh và thứ gạch men xưa cũ vẫn chưa từng một lần bị rêu phong làm giảm đi vẻ đẹp vốn có. Tường gạch xây dầy dặn và có lỗ thông hơi hợp lý nên trong các phòng luôn mát về mùa hè, ấm về mùa mưa. Và vì quán ăn nhỏ này được mở ra bên trong ngôi biệt thự cổ của gia đình nên nó càng gần gũi và mang dáng dấp của một quán ăn gia đình với những món ngon gia truyền.
Quán Mây Bốn Phương: 132/6 Vườn Chuối, Q.3, TP.HCM. Quán bán từ 11-22h hàng ngày, với giá dao động từ 90-150.000 đồng.