Đầu tiên, bạn cho nước vào gạo, vo nhiều lần để loại bỏ phần cám gạo bên ngoài. Sau đó, cho nước vào xăm xắp mặt gạo ngâm trong khoảng 1/2-1 giờ. Hoặc chắt ráo nưới và tưới 1 ít lên đó sau mỗi 10 phút.
Bạn có thể nấu cơm cuộn sushi bằng nồi cơm điện hoặc sử dụng một chiếc nồi đế dày đều được. Tuy vậy, cần cân đối lượng nước và gạo khi nấu.
Nếu sử dụng nồi cơm điện, bạn có thể cho lượng nước và áp dụng thời gian nấu như nấu cơm thông thường. Còn nếu sử dụng nồi đế dày, lượng nước sẽ bằng với trọng lượng của gạo (đương nhiên lượng nước có thể xê xích đôi chút do độ nở của từng loại gạo).
Về cách nấu cũng có đôi chút khác biệt giữa hai loại nồi. Khi nấu bằng nồi thông thường, bạn nên nấu cơm với lửa vừa trong 7 phút đầu. Sau đó hãm nhỏ lửa nấu tiếp trong khoảng 15 phút đến khi cơm chín.
Lưu ý là trong lúc nấu bạn không nên mở nắp nồi, sẽ làm cơm bị sượng, mất ngon. Sau khi cơm chín, bạn cũng đừng vội mở nắp mà nên để thêm 10 phút nữa cho cơm chín hơi lần nữa.
Trộn giấm, đường và muối cho đường tan (với gần 800g gạo Nhật, bạn cần nước trộn gồm hỗn hợp: 1,5 chén giấm gạo, 4 muỗng canh đường, 1,5 muỗng cà-phê muối).
Tiếp đến bạn xới đều cơm và cho ra thố hoặc tô lớn. Với cơm cuộn sushi, thố gỗ sẽ giúp giữ nhiệt và độ dẻo của hạt cơm. Khi cơm còn đang nóng, rưới hỗn hợp giấm gạo lên, trộn đều để gạo thấm gia vị trong 10s cho thấm rồi tiếp tục trộn đều.
Cuối cùng phủ một lớp mỏng, ẩm lên trên để giữ ấm cho cơm đến khi ăn.
Bạn cũng cần lưu ý nấu cơm khô hơn bình thường, vì khi cho thêm hỗn hợp giấm vào cơm trộn đều sẽ có độ xốp mềm vừa vặn. Bên cạnh đó, bạn cần trộn giấm khi cơm vẫn còn nóng. Nếu cơm nguội, sẽ rất khó để bạn kết hợp nó với nước trộn.
Cơm sushi cũng sẽ ngon hơn khi được nấu 1 giờ trước khi cuộn sushi. Vì lúc này hỗn hợp gia vị đã ngấm vào cơm.