Cập nhật vào 06/12
Chỉ với một nguyên liệu, bạn có thể nấu thành hai món canh ngao và ruột ngào xào sả ớt cho bữa cơm gia đình. Ngao có tính hàn, rất thích hợp để giải nhiệt ngày hè oi bức.
Nội dung chính
1. Giá trị dinh dưỡng và công dụng của ngao
Ngao có tên gọi khác là nghêu hay nghiêu, tên khoa học Meretrix meretrix L thuộc họ ngao (Veneridae). Trong thịt ngao có thành phần dinh dưỡng chủ yếu là: protein 10,8%; lipid 1,6%; carbuahydrat 4,65%; calcium, sắt, phosphor, vitamin A, B1, B2, PP… Trong 1.000g thịt ngao khô có 2.400 microgram iod.
Trong ngao rất giàu chất riboflavin – đây là dinh dưỡng có khả năng duy trì và bảo tồn chức năng hệ miễn dịch của cơ thể. Riboflavin giúp ngăn ngừa mụn trứng cá, chàm bội nhiễm. Ngoài ra, chất này còn đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe mắt và làm giảm bớt các bệnh lý về mắt, đặc biệt là đối với bệnh tăng nhãn áp.
Trong ngao có chứa rất nhiều chất kali. Các nhà khoa học khuyên, khi bạn muốn tìm kiếm thực phẩm giúp chống lại huyết áp thì tốt nhất là ăn ngao. Kali giúp điều hòa cân bằng nước và điện giải, giúp duy trì hoạt động bình thường, đặc biệt là hệ tim mạch, cơ bắp, tiêu hóa và tiết niệu. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, kali giúp làm giảm huyết áp, tăng cường hoạt động hệ tiêu hóa, hô hấp, giảm bệnh hen phế quản.
Ngao là nguồn cung cấp vitamin B tự nhiên tốt cho cơ thể. Nhóm vitamin B đã được biết đến là có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ thần kinh trung ương khỏe mạnh. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, những người có nồng độ vitamin B12 trong cơ thể cao nhất là những người mắc bệnh Alzheimer ít nhất.
Thiếu chất selen trong cơ thể là một trong những yếu tố góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp. Selen là dinh dưỡng thiết yếu hoạt động cùng với các loại dinh dưỡng khác để chống lại những cơn căng thẳng do oxy hóa, một sự mất cân bằng dẫn đến tổn thương các khớp xương, cùng với cua, tôm, cá thì ngao là một trong những nguồn thực phẩm chứa nhiều chất selen nhất.
Khi bạn thiếu protein mà lại tránh không muốn ăn thịt thì thực phẩm tốt nhất để thay thế đó chính là ngao. Cứ 100 gram ngao là đáp ứng được khoảng 50% lượng protein bạn cần mỗi ngày. Protein có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch hoạt động bình thường, từ đó giúp cơ thể chống lại những bệnh lây nhiễm.
2. Cách làm ruột ngao xào sả và canh ngao chua
Nguyên liệu:
- 2kg ngao
- 1 bìa đậu phụ, ¼ quả dứa, 2 quả cà chua
- Hành lá, rau răm, thì là
- Gừng, xả, hành khô, ớt
- Sa tế, nước mắm, gia vị
Sơ chế ngao:
- Ngao mua về rửa sạch, để ráo nước.
- Cho ngao vào nồi cùng 1 bát nước, luộc đến khi ngao mở miệng thì vớt ra, nhặt lấy thịt ngao, gạn nước luộc ngao để riêng.
- Phần thịt ngao sẽ dùng để xào sa tế, phần nước ngao sẽ nấu canh chua.
Cách nấu canh ngao:
- Bước 1: Đậu phụ thái miếng vuông rán vàng, vớt ra bát xóc cùng chút gia vị cho ngấm. Dứa thái miếng vừa ăn. Cà chua bóc vỏ thái nhỏ. Hành lá, rau răm, thì là rửa sạch, sau đó thái nhỏ, ½ sẽ dùng nấu canh và ½ dùng xào ngao.
- Bước 2: Phi thơm hành khô, cho cà chua vào xào nhừ. Sau đó đổ nước luộc ngao vào, đun sôi rồi thêm dứa, đậu phụ, gừng băm nhỏ, nêm gia vị vừa ăn, một lúc thì tắt bếp.
-
Khi ăn mới cho hành lá, rau gia vị đã thái nhỏ vào. Nếu bạn thích ăn cay có thể thêm 1 quả ớt vào nồi canh. Cuối cùng thêm 1 chút nước mắm cho bát canh thêm đậm đà là xong rồi.
Cách nấu ngao xào:
- Bước 1: Sả và hành khô xắt nhỏ.
- Bước 2: Cho 1 thìa canh dầu ăn vào chảo, xào sả và hành đến khi thơm và hơi vàng. Sau đó thêm 1 gừng băm nhỏ, nếu bạn ăn được cay nhiều có thể thêm 1 quả ớt tươi cắt nhỏ. Đến khi sả hành vàng thơm thì cho 1 thìa café sa tế vào đảo đều.
- Bước 3: Trút ngao vào xào, không cần nêm gia vị vì ngao đã mặn rồi. Nếu cảm thấy nhạt bạn hãy thêm chút nước mắm cho thơm. Xào đến khi ngao săn lại thì tắt bếp, cho rau hành vào đảo đều là bạn đã hoàn thành 2 món ngon từ ngao rồi đấy.
-
Với cùng một loại nguyên liệu nhưng bạn đã có 2 món ngon từ ngao thật lạ miệng cho bữa tối. Ngao xào sa tế thơm ngon, có thể ăn với cơm hay nhậu chút bia đều rất hợp.
3. Lưu ý để ăn ngao đúng cách
- Các món ăn chế biến từ ngao phải nấu kỹ vì trong ngao có thể ẩn chứa ký sinh trùng.
- Không ăn ngao đã chết, dập, nứt vỏ chế biến món ăn cho bé. Ngao chế chứa nhiều vi khuẩn độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn con ngao, bởi giai đoạn này khả năng nhai của bé rất kém vì vậy chúng ta không nên cho trẻ ăn
- Tuyệt đối không nên ăn hoa quả ngay sau khi ăn canh ngao hay cháo ngao vì sẽ lạnh bụng, tiêu chảy.
3. Những lưu ý khi ăn ngao đối với người có bệnh
Ngao có nhiều dưỡng chất tốt với sức khỏe, tuy nhiên, có những người không nên hoặc cần hạn chế ăn các món chế biến từ ngao.
- Người mắc bênh gút: Ngao có hàm lượng đạm cao, do đó thành phần purin cao. Chất purin trong cơ thể sẽ được phân giải thành axit uric – nguyên nhân chính gây ra bệnh gout.
- Người bị đau dạ dày: Ngao có tính lạnh, không tốt với những người bị đau dạ dày. Nếu vẫn muốn ăn ngao, khi dùng nên ăn thêm 1 ít gừng tươi để điều hòa.
- Người dễ bị cảm lạnh: Ngao tính hàn nên người bị cảm lạnh nên hạn chế ăn ngao để giảm khả năng bị cảm lạnh, đặc biệt trong thời tiết mùa đông.
- Người mắc bệnh thận: Ngao có tính lạnh và vị mặn ở biển nên những người mắc bệnh thận, ăn kém, chậm tiêu không nên ăn ngao.
- Mùa đông trẻ nhỏ không nên ăn: Ngao có tính hàn, chỉ sử dụng tốt nhất vào mùa hè, không phù hợp với mùa đông. Nếu trong thời tiết giá lạnh, dùng thực phẩm này chế biến các món ăn cho bé thì có thể dẫn đến lạnh từ bên trong nên sẽ gây ra bệnh tiêu chảy.
- Người bị bệnh dị ứng: Bởi ngao là loài nhuyễn thể, hàm lượng dinh dưỡng rất cao tương đương như lươn, thịt gà. Khi ăn ngao có thể gây dị ứng, thậm chí tiêu chảy, nôn, phát ban. Protein trong ngao có thể hấp thu trực tiếp qua đường tiêu hóa nó là dị nguyên, gây dị ứng mạnh. Vì thế những người dị ứng nên cân nhắc ăn.