Từng lóc xương 2,5 triệu con gà!
Mất cha từ năm 5 tuổi. Năm 12 tuổi, ông rời gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập ở Hồng Kông mà không có một người thân thích nào. Ở đây ông làm việc ở nhà hàng của một người quen để có tiền học tập và sinh sống. Martin Yan kể: “Sau giờ học, tôi làm việc suốt tại cửa hàng và chỉ có thể ngủ khi cửa hàng đã đóng cửa. Lúc ấy đã quá nửa đêm”. Đây là nơi ông học những kĩ năng bếp núc đầu tiên và cũng là nơi mà ông rèn luyện cách lóc xương 1 con gà trong 18s. “Tôi đã thách thức tất cả đầu bếp ở Mỹ, và không ai có thể vượt qua”, ông nói thêm.
Thán phục, tò mò, nhiều bạn đã hỏi Martin rằng bằng cách nào ông có thể làm được điều đó, ông hóm hỉnh: “Các bạn cứ tập luyện khoảng 2 triệu lần, ròng rã trong vòng 2 năm cho đến khi tuyệt chủng gà ở Việt Nam hay đến lúc KFC không còn gà để bán thì sẽ được thôi.”
Mặc dù độ chính xác không được kiểm chứng nhưng câu chuyện này lại ẩn chứa một bài học sinh động. Đó là sự khổ luyện bền bỉ luôn là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể trở thành đầu bếp chuyên nghiệp.
Không có thành công nào đến dễ dàng
Có thể nói Yan là một trong những đại diện của Giấc mơ Mỹ. Bởi không chỉ “sống sót” trên đất Mỹ, vươn lên để thành công, ông còn trở thành đầu bếp nổi tiếng, xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình, đi du lịch khắp năm châu, gặp gỡ, làm việc cùng các siêu đầu bếp trên toàn thế giới, sở hữu show truyền hình chạy dài nhất trong lịch sử truyền hình, với lượng khán giả lên đến con số trên 1 tỷ, xuất bản 30 đầu sách ẩm thực cũng như sở hữu nhiều giải thưởng danh giá… Nhưng thành công ấy là cả câu chuyện dài của sự nỗ lực học tập, làm việc bền bỉ , có ước mơ và đi đến cùng với ước mơ.
Ví như việc để có thể chi trả khoản sinh hoạt phí, chi phí học tập đắt đỏ tại Califonia – trường đại học danh giá bậc nhất nước Mỹ ( tiền học gấp 3 lần dân bản địa) thì ngoài sự hỗ trợ của nhà thờ, số tiền làm việc ngoài giờ học, Martin Yan còn “làm liều” khi nài nỉ giáo sư trường ĐH này cho mở 1 lớp dạy nấu ăn tại trường. Bởi ông biết đó là cách duy nhất để có thể sinh tồn, làm việc, học tập và vươn lên tại đất Mỹ.
Tuy vấp phải nhiều khó khăn rằng chưa có kinh nghiệm, bằng cấp, chưa từng làm bếp trưởng ở nhà hàng nào, hay chưa làm ở nhà hàng nào quá 3 tháng… nhưng với sự bền bỉ, kiên trì, cuối cùng, Martin Yan cũng đã thuyết phục được vị giáo sư kia. Ông kể: “Vị giáo sư cho tôi cơ hội bằng cách nếu tôi có thể tìm được 15 học viên đăng ký học, cô sẽ cho tôi mở lớp. May mắn, nhờ từng làm việc tại các nhà hàng trước đó chỉ trong 1 tuần, tôi đã có tới 34 học viên đăng ký. Chính nhờ lớp học này tôi có thể đủ tiền để trang trải việc học, tốt nghiệp đại học lẫn thạc sĩ tại trường”.
Để trở thành một đầu bếp giỏi
Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để trở thành đầu bếp giỏi, Martin Yan cho biết: “Để trở thành một đầu bếp giỏi, ngoài những kĩ năng, kĩ thuật nghề bếp, tự tập luyện để hoàn thiện bản thân, người đầu bếp cần phải có thái độ làm việc bền bỉ, khả năng làm việc nhóm, tập thể… ” Ông còn nhắn nhủ thêm với các đầu bếp trẻ rằng hãy thử thách bản thân bằng cách tham gia trải nghiệm, học hỏi từ các cuộc thi; nghiên cứu thêm ở sách vở, các kênh truyền hình ẩm thực, nơi các đầu bếp nổi tiếng thế giới trình diễn kĩ thuật, cũng như tinh thần trong quá trình nấu nướng…
Không chỉ có vậy, Martin Yan còn đúc kết 5 yếu tố để có thể tồn tại, cũng như thành công trong nghề nghiệp và cuộc sống. Đó là:
+ Niềm tin vào bản thân
+ Luôn khát khao mãnh liệt, sống có ước mơ để vươn lên.
+ Là sự can đảm và lòng bền bỉ
+ Gặp khó không nản chí, bỏ cuộc mà phải tìm cách vượt qua
+ Và không có thành công nào đến dễ dàng vì vậy phải luôn cố gắng không ngừng.
Yan cũng nói thêm, “Không bao giờ được phép ngừng học tập, vì học tập là quá trình của cả một cuộc đời. Còn khi làm một việc, không quan trọng bạn mất bao lâu để làm mà quan trọng là nỗ lực đủ và làm hết mình 100-200% bạn có thể, đến lúc ấy bạn mới có thể đạt được thành công thực sự”.
Thêm một số bật mí thú vị của Martin Yan về ẩm thực và Việt Nam
+ Gia vị mà ông không thể thiếu khi nấu đó là Gừng. Với ông, không chỉ là một gia vị cơ bản trong gian bếp, gừng còn đặc biệt tốt cho sức khỏe nhờ tính chất y học của nó, đặc biệt cho bà bầu sau sinh, hay những người bị cảm, ho sốt. Vì thế, trong những món ăn của mình Martin Yan luôn chú ý kết hợp thêm gừng vào đó.
+ Ngoài phở, Martin Yan tiết lộ ông cũng rất thích món cá kho và canh chua Việt Nam. Với cá kho tộ, thay vì chỉ dùng một loại cá như các nhà hàng vẫn thường dùng, ông tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn bằng cách kết hợp nhiều loại cá khác nhau, hay kết hợp cá với nhiều nguyên liệu khác nhau, như gà, tôm, cua… Đương nhiên là dựa trên kiến thức, kinh nghiệm về chế biến nguyên liệu, trí tưởng tượng, sáng tạo của bản thân.
+ Martin Yan tiết lộ thêm trong các món Việt, ông đánh giá cao và dành sự yêu thích đặc biệt với các món Huế, bởi sự tinh tế của nó. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, không phải cứ phải nấu đẹp, nấu kĩ mới ngon. Bất kì món ăn nào dù được chế biến từ những nguyên liệu đơn thuần, rẻ tiền nhất nhưng được sơ chế, nấu nướng kĩ lưỡng và được người nấu đặt để cái tâm vào thì đó sẽ là món ăn tuyệt hảo nhất.