Bếp Gia Đình

Tản mạn mùa bánh đoàn viên

Tôi rất thích một đoạn trong tản văn Quả thu của cố nhà văn Băng Sơn. Ông đã viết rằng mùa thu là mùa quả, cũng là mùa của sắc màu, như thể có một họa sĩ dân gian rất tài hoa vung bút phết màu đỏ lên quả hồng, màu vàng thâm lên quả sấu, màu vàng ươm lên chuối trứng cuốc, màu hồng lên quả bưởi đào, màu cam lên quả quýt, màu vàng chanh lên quả thị, và màu xanh ngọc lưu ly lên từng hạt cốm làng Vòng mềm mại thoang thoảng hương thơm…

Mùa thu qua đôi mắt của nhà văn sao mà gợi quá. Nhưng có lẽ chỉ viết về quả thu nên ông không viết hoặc quên kể thêm về màu trắng trong như bạch ngọc của chiếc bánh nếp hương bưởi và màu nâu già của chiếc bánh nướng thập cẩm đậm đà tạo thành thời trân của một mùa thu tháng Tám thơm từng góc phố Hà Nội – Sài Thành? Hoặc giả dụ biết đâu nhà văn Băng Sơn nhớ lắm đấy nhưng vì những chiếc bánh trung thu mà ngày nay gần như là thứ “bất khả thiếu” trong dịp Rằm tháng Tám vốn xuất xứ từ câu chuyện danh sĩ Lưu Bá Ôn thay Chu Nguyên Chương mượn bánh phất cờ khởi nghĩa tạo nên nhà Nguyên bên Tàu chứ không phải là món bánh mang linh hồn Việt nên ông đã ý nhị bỏ qua chăng?

Có điều, chúng ta phải công nhận rằng món bánh đặc biệt bắt nguồn từ Trung Quốc này không còn là món truyền thống của riêng người dân Trung Quốc nữa. Văn hóa ẩm thực vốn có tính cộng hưởng, kế thừa và hòa nhập rất nhanh. Thêm vào đó là tinh thần yêu chuộng sự hội ngộ và mong ước có được phước lành nên bánh Trung thu ngày nay đã là món bánh mang tinh thần đoàn viên nói chung của người châu Á; đặc biệt là của các nước có tục dùng bánh nếp, bánh gạo vào các dịp lễ lạt như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Myanmar… Thậm chí ngay đến cả những quốc gia hơi “xa cách” về giao thoa ẩm thực như Ấn Độ, Lào hay Campuchia cũng “ăn Trung thu” với bánh nướng và bánh dẻo, dù hình thức có khác nhau đôi chút.

Đứng đầu về sự tinh tế có lẽ phải nhắc đến bánh trung thu Tsukimi Dango của Nhật Bản.

Bánh Tsukimi Dango Nhật Bản – Ảnh: Lê Lâm.

Từ hơn 1000 năm nay người Nhật luôn tôn sùng mặt trăng nên dù không còn dùng lịch âm thì người Nhật vẫn tổ chức Tết trung thu vào 15 tháng 8 âm lịch hàng năm rất trang trọng. Trong dịp này, họ dùng bột Shiratama pha với bột Joushinko để nặn thành những chiếc bánh tròn tròn rất giống bánh trôi. Cầu kỳ hơn thì họ trang trí viên bánh thành hình dáng chú thỏ ngọc rất đáng yêu rồi xếp bánh thành hình tháp, đặt trước hiên nhà, bên khung cửa sổ hoặc ở nơi nào có thể ngắm trăng đẹp nhất để thưởng thức bánh Tsukimi Dango với nước trà, mật mía và bột đậu nành Kinanko.

Trái với khái niệm “tròn trịa viên mãn” của người Nhật, người Hàn Quốc lại tin rằng sự “hao khuyết” mới là nền tảng của sự sống hết vơi lại đầy. Thế nên vào dịp Trung thu, người Hàn Quốc cùng nhau làm bánh dẻo bán nguyệt Songpyeon.

 

Bánh Songpyeon của Hàn Quốc – Ảnh: Internet.

Vì người Hàn có quan niệm rằng bánh Songpyeon ngon và đẹp sẽ mang lại may mắn cho phụ nữ nên khi làm bánh ngoài việc dùng màu trắng của bột nếp tinh làm chủ đạo, họ còn dùng bột trà xanh hoặc nước cốt lá ngải cứu để tạo màu xanh, bí đỏ tạo màu vàng, nước ép quả dâu tạo màu hồng rồi hấp bánh với một ít lá thông tươi để bánh Songpyeon vừa có mùi thơm đặc trưng vừa tăng thêm phần duyên dáng, hấp dẫn.

Bánh trung thu Singapore về mặt hình thức hoàn toàn giống bánh trung thu Trung Quốc hoặc Việt Nam nhưng có sự chọn lọc rất hài hòa giữa những hương vị truyền thống như hạt sen, trà xanh với những hương vị tây phương rất đặc biệt như nhân lúa mạch, kiều mạch hoặc vài năm trở lại đây còn có cả nhân Chocolate, nhân Lolipop và nhân kem lạnh để chìu theo nhu cầu ẩm thực của khách hàng.

Bánh trung thu của Singapore – Ảnh Internet.

Trái với sự cầu kỳ của bánh trung thu Singapore là bánh trung thu Philippines hay bánh Hopia theo cách gọi của người bản xứ. Nhưng thật nhầm khi nhìn ngoài lớp vỏ có phần thô ráp, khô khan bên ngoài mà vội đánh giá không ngon. Bánh trung thu Philippines luôn có lớp vỏ mỏng tang, giòn mềm như da bánh pía và phần nhân đậu hết sức phong phú, mịn và thơm nức.

Bánh Hopia – bánh trung thu của Philippines – Ảnh: Internet.

Với Trung Quốc, nơi bắt nguồn của bánh Trung thu, thì sự đa dạng và phong phú về hương vị, màu sắc lại đến từ những khu vực riêng dù cùng dùng chung những nguyên liệu cơ bản như mứt bí, đậu xanh, hạt sen, trứng muối.

Bánh trung thu Trung Quốc – Ảnh Internet.

Bánh trung thu Tô Châu hình tròn, vỏ mỏng, nhân đậu xanh trứng muối ăn rất ngọt và béo.

Bánh Tô Châu – Ảnh Internet.

Bánh trung thu Triều Châu – mà chúng ta quen gọi là bánh Ngàn lớp – cũng có hình tròn, nhưng lớp vỏ xoắn cuộn vào nhau thành nhiều lớp rất giòn, nhân đậu.

Bánh ngàn lớp Triều Châu – Ảnh Internet.

Bánh trung thu Bắc Kinh chia làm hai loại. Một loại bánh nướng trông hơi giống bánh Tô Châu nhưng có điểm xuyến một vòng son và một loại có hình dạng như bánh nướng nhưng không nướng, ăn vào giống bánh dẻo.

Bánh nướng Bắc Kinh – Ảnh Internet.

 

Bánh “dẻo” Bắc Kinh – Ảnh Internet.

Bánh trung thu Quảng Đông mùi vị và hình thức giống hệt bánh trung thu thập cẩm của chúng ta. Ngoài mứt bí, hạt sen, người Quảng Đông thường cho thêm vào nhân bánh vịt quay, nấm đông cô và trứng muối.

Bánh Quảng Đông – Ảnh Internet.

Ngoài ra còn có bánh trung thu Đài Loan nhìn dạng khá giống bánh ngàn lớp. Riêng tôi rất thú vị với một loại bánh được nhà văn Cổ Long nhắc đến trong bộ võ hiệp Sở Lưu Hương có cái tên đặc biệt là Hằng Nga hận do tiệm bánh Tam Nhật Khai sản xuất nhưng tra internet không thấy hình ảnh hoặc thông tin. Không biết đây chỉ là hư cấu của tác giả Cổ Long hay là một loại bánh Trung thu nay đã thất truyền?

Quay về Việt Nam, trong vài năm trở lại đây bên cạnh những loại bánh trung thu hạng sang được bán với giá cao ngất ngưỡng thường được người lớn mua để biếu làm quà cáp hoặc để “đầu tư” hơn làm quà cho trẻ vui trăng thì loại bánh trung thu homemade là một niềm vui từ người làm bánh cũng như là sự xác tín mang tính cá nhân của người dùng.

Bánh dẻo, bánh nướng Việt Nam – Ảnh Lê Lâm.

Ngoài bánh dẻo, bánh nướng truyền thống hoặc bánh trung thu rau câu thơm mát dễ ăn còn có thể kể đến một loại bánh trung thu có hình dạng rất hấp dẫn dành riêng cho trẻ em. Đấy là bánh nặn tay theo hình 12 con giáp mà đặc biệt nhất là bánh chú lợn con.

Bánh nướng hình 12 con giáp của Việt Nam – Ảnh Internet.

 

Bánh nướng những chú heo đeo nơ – Ảnh internet

Từ hình tượng đoàn viên, no đủ của đàn lợn âm dương, những nghệ nhân làm bánh trung thu đã thật sự sáng tạo và thổi hồn vào từng chú lợn con xinh xắn để bánh trung thu trở thành một món quà ý nghĩa dành riêng cho trẻ em và mang đúng tinh thần Tết dành cho thiếu nhi vào ngày rằm tháng Tám.