Ăn bánh cuốn Thanh Trì kiểu nhà văn Vũ Bằng

 
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để lưu vào danh mục yêu thích.
   

Lạnh, lạnh hanh hao thế này, thèm bánh cuốn quá. Đã thèm, lại càng thèm hơn khi đọc những dòng văn của nhà văn Vũ Bằng viết về bánh cuốn Thanh Trì. “Có ai ở Hải Phòng, Nam Định, Thanh Nghệ chẳng hạn, về Hà Nội, mà đã có lần được thưởng thức món bánh cuốn Thanh Trì ăn với đậu rán sốt, tất còn lâu lắm mới có thể quên được món quà đặc biệt Hà Nội đó…”

banh-cuon-thanh-tri

Chẳng thể chờ đợi thêm, bếp trưởng gia đình thông báo với cả nhà:

  • Hôm nay mẹ sẽ cho cả nhà ăn bánh cuốn thanh trì theo kiểu nhà văn Vũ Bằng.
  • Ăn thế nào hả mẹ, có ngon không mẹ ?
  • À thì, bánh cuốn ăn cùng đậu phụ rán và thịt quay. (Hì hì) Phải thử mới biết con à.

Từ trước tới nay, vẫn thấy rằng ăn bánh cuốn Thanh Trì một cách thường thường, đơn giản chỉ cần chén nước mắm pha khéo, không mặn quá, không chua quá, mà cũng không cay quá, cùng vài cọng thơm, mùi là được. Để đưa vị, có thể thêm vài miếng chả thái nhỏ thả vào bát nước chấm. Có những khách ăn theo kiểu “phồn thực” thường chỉ vào các quán hàng bánh cuốn có chả quế ấm nồng, chả nướng thơm lừng hay chả cốm dẻo bùi.

“Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt nhất ở chỗ tráng mỏng, hành mỡ thoa vào mướt mặt mà nếm vào thì thanh nhẹ, mát rượi đi… Cái ngon của nó dịu hiền, óng mướt, nhưng đối với một số người thì có lẽ như thế hơi có ý “thanh nhã” quá, nên người ta thỉnh thoảng đã điểm vào một miếng thịt quay ba chỉ, bì giòn tan. Một thứ mềm mà thanh, một thứ thì nục nạc mà lại giòn, tạo ra một “mâu thuẫn” cũng hơi là lạ.

Nhưng ăn bánh cuốn Thanh Trì, không gì trác tuyệt hơn là điểm vào mấy miếng đậu thật nóng, rán thật phồng trông óng a óng ánh như kim nhũ”. Cách ăn này lần đầu tiên biết đến và có lẽ chẳng hàng quán nào ở Hà Nội phục vụ món bánh cuốn Thanh Trì kiểu đấy.

Vậy là ra chợ thôi. Nào là bánh cuốn Thanh Trì, mà phải để nguyên, không cắt miếng lộp xộp như các bà bán hàng hay làm cho khách. Mấy bìa đậu mơ. Nào thịt quay ba chỉ. Thêm mớ thơm, mớ mùi.

Từng chiếc bánh được trải ra, rồi cuốn tròn lại. Sắp đặt đầy đủ bánh cuốn, thịt quay, rau thơm cùng bát nước chấm, lúc ấy mới quay ra rán đậu. Như thế đậu mới nóng hổi mà lại giòn.

Cả nhà sà vào mâm. Cảm nhận, cùng cảm nhận cách thưởng thực khác lạ này. Trước tiên phải nói những gì bày ra trông thật ngon mắt. Trắng nuột của bánh, vàng ươm của đậu, nâu đỏ của bì giòn, xanh mướt lá mùi, xanh tím lá thơm, óng ả nước chấm. Bánh cuốn trắng chấm nào bát nước pha mầu hổ phách, một sự hòa quyện thơm dìu dịu, êm êm, vừa đưa lên miệng như đã trôi xuống cổ. Đậu rán giòn nóng rẫy. Trong cái giòn của vỏ đậu lại có cái mềm của lòng đậu, nên khi ăn cái nóng hòa quyện cùng cái mát, cái giòn hòa hợp với cái mềm, tạo sự cân bằng đến lạ. Ăn bánh cuốn với đậu rán, có vẻ hơi thanh đạm, nên khi thêm mấy miếng thịt quay ba chỉ, mỡ mỡ chút, ngậy ngậy một chút, chẳng thể lệch vị đi được.

Cái dẻo mềm của bánh, giòn giòn bùi bùi của đậu, ngậy ngậy thơm của thịt quay, thanh thanh rau thơm mùi, hòa cùng nước chấm dìu dịu đủ vị mặn, ngọt, chua, cay chẳng lời nào tả hết. Liệu mình đã cảm nhận đúng cách ăn bánh cuốn Thanh Trì như nhà văn Vũ Bằng, thưởng thức đúng “món quà đặc biệt Hà Nội” này chưa. Chẳng thể nào biết được vì thời gian trôi đã qua hơn hai phần ba thế kỷ, thời điểm năm 54 khi nhà văn Vũ Bằng viết nên những dòng văn này.

Đăng lúc:
0 món ăn Điểm tích lũy: 40

Bài viết khác

Quà quê

CHÁO ÁM

   
Love 0